Bệnh ỉa chảy (tiêu chảy) là bệnh phổ biến xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ em do hệ thống miễn dịch còn yếu nên là đối tượng dễ bị tấn công. Bệnh gây ra hiện tượng mất nước trầm trọng và làm cơ thể mệt mỏi. Để hiểu rõ hơn về chứng bệnh này, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Bệnh ỉa chảy là gì?
Ỉa chảy (tiêu chảy) chỉ số lần đại tiện tăng lên, mỗi ngày trên 3 lần. Phân loãng như nước, có khi còn lẫn những chất không bình thường như thức ăn chưa tiêu hóa, niêm dịch, máu mủ.
Trẻ em là đối tượng thường xuyên được chứng bệnh này “ghé thăm”. Do sự phân bố nước trong cơ thể trẻ em khác với người lớn nên khi trẻ bị tiêu chảy rất dễ dẫn đến rối loạn nước và chất điện giải, mất nước, kali thấp, natri thấp và canxi thấp. Nếu bệnh trở nên nặng mà không bổ sung nước kịp thời khiến dung lượng máu trong cơ thể giảm thấp dẫn đến choáng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện tượng tiêu chảy kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ khiến cơ thể gầy gò, ốm yếu, sức đề kháng thấp, dễ bị nhiễm trùng và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Đối với người lớn, làm cơ thể mệt mỏi làm việc kém hiệu quả và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
>>.Nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy mạn tính
Phân loại bệnh ỉa chảy
1. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh
Chia ra làm 2 loại:
- Nhiễm trùng
- Không nhiễm trùng
Bệnh ỉa chảy do nhiễm trùng còn được gọi là viêm ruột do trực khuẩn đại tràng, lỵ trực tràng, viêm ruột do virus, viêm ruột dạng nấm. Nhiễm trùng ngoài ruột như nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng da và các loại bệnh nhiễm trùng khác đều có thể kèm theo hiện tượng ỉa chảy.
Bệnh ỉa chảy không nhiễm trùng còn gọi là tiêu hóa kém hoặc tiêu chảy đơn thuần, thường bị khi sử dụng đường sữa, thời tiết thay đổi đột ngột và lạnh ở vùng bụng.
2. Căn cứ vào tình hình bệnh
Chia ra tiêu chảy thành 3 dạng:
- Dạng nhẹ
- Dạng vừa
- Dạng nặng
Bệnh ỉa chảy ở dạng nhẹ thì mỗi ngày đi đại tiên dưới 10 lần, số lượng phân mỗi lần dưới 10ml/kg trọng lượng cơ thể, không xảy ra tình trạng mất nước và ngộ độc.
Bệnh ỉa chảy ở dạng vừa: Mỗi ngày từ 10 – 20 lần, số phân đi mỗi lần trên 20 ml/kg trọng lượng cơ thể, mất nước nặng kèm theo triệu chứng ngộ độc rõ.
Ngoài ra, bệnh ỉa chảy còn được phân loại theo thời gian mắc bệnh ( cấp hay mãn tính), cơ chế bệnh hay đặc điểm của phân (nước, chất béo hay máu)…
Triệu chứng nặng của bệnh ỉa chảy
Tuy bệnh ỉa chảy không nghiêm trọng và người bệnh có thể tự hồi phục nhưng nếu có những triệu chứng nặng thì cần đến những cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Dưới đây là những trường hợp nên đến gặp bác sĩ:
- Tiêu chảy hơn 3 ngày
- Có cảm giác đau bụng và đau ruột dữ dội
- Nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C
- Ỉa chảy có máu trong phân hoặc phân có màu hắc ín
- Dấu hiệu mất nước
Nguyên nhân gây bệnh ỉa chảy (tiêu chảy)
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng bệnh này, một số nguyên nhân phổ biến là nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng, ký sinh trùng, thuốc men, và rối loạn đường ruột.
Vi rút
Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh. Trường hợp này còn được biết đến như là viêm dạ dày ruột do virus (viral gastroenteritis). Những loại vi rút gây ỉa chảy thông thường là:
- Rotavirus (thường là nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ em)
- Adenovirus
- Caliciviruses
- Astrovirus
Vi trùng
Những loại vi trùng dưới đây có thể là nguyên nhân gây bệnh:
- Staphylococcus aureus ( S. aureus ), thường nhiễm các loại thịt đã qua xứ lí công nghệ và các loại bánh làm bằng sữa.
- Clostridium perfringens, nhiễm các thực phẩm được hâm ấm.
- Bacillus cereus, thường lây nhiễm qua gạo và đậu, kể cả giá sống.
- Salmonella nhiễm vào trứng gà, trứng vịt và gia cầm. Sốt thương hàn thường do nhiễm trùng Salmonella typhi .
- Shigella là thủ phạm của bệnh tiêu chảy thường được phát hiện trong các nhà giữa trẻ, các làng ở nông thôn.
- Escherichia coli ( E. coli ) nhiễm trong thịt chưa nấu chín
- Campylobacter jejuni nhiễm chim, gà, vịt.
- Yersinia enterocolitica nhiễm trùng này thường xảy ra khi ăn thịt và sữa bị nhiễm trùng.
- Vibrio parahaemolyticus một loại nhiễm trùng thường do ăn đồ biển sống, nhất là hàu.
- Vibrio cholerae là vi trùng/khuẩn gây bệnh tả, thường hay thấy ở các nước đang phát triển, và là hệ quả của nguồn nước bị ô nhiễm.
Ký sinh trùng
Ký sinh trùng có thể vào cơ thể chúng ta qua nhiều con đường khác nhau, từ thức ăn hay nước uống để đi vào hệ tiêu hóa. Những ký sinh trùng sau đây có thể gây bệnh ỉa chảy:
- Giardia lamblia gây ô nhiễm nguồn nướcvà là nguyên nhân phổ biến của bệnh tiêu chảy ở người đồng tính luyến ái.
- Entamoeba histolytica lan truyền qua đường nước hay thực phẩm bị nhiễm phân người, nhưng cũng có thể do trực tiếp tiếp xúc qua tay dơ bẩn kể cả quan hệ tình dục.
- Cryptosporidium lan truyền qua thực phẩm. Nguy cơ thường cao hơn ở trẻ em hơn là người lớn. Các loại rau sống trộn (salad) trồng bằng phân bón cũng là một nguồn lây truyền kí sinh trùng này. Vi trùng sống trong nước nên cũng có thể lây lan.
Thuốc men
Một số loại thuốc dưới đây có thể gây ra hiện tượng tiêu chảy:
- Thuốc trụ sinh
- Thuốc chống cao huyết áp
- Nhuận tràng
- Antacids chứa magnesium.
Ngòai ra sử dụng rượu, cà phê, trà, kẹo chewing gum không đường và bạc hà cũng có thể gây tiêu chảy
Bệnh
Tâm trạng buồn phiền, lo lắng, stress, các bệnh truyền nhiễm liên quan tới sex, viêm tai,… cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng bệnh này.
Phòng bệnh ỉa chảy
Mùa nắng nóng là điều kiên để các loại vi khuẩn gây tiêu chảy phát triển mạnh. Do đó cần có những biện pháp tích cực để phòng ngừa căn bệnh này. Dưới đây là một số khuyến cáo giúp ngăn ngừa và phòng bệnh ỉa chảy:
- Ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau mỗi lần sử dụng phương tiện công cộng
- Nếu áp dụng chế độ ăn kiêng nên tập để cho cơ thể quen dần để tránh hiện tượng đột ngột, đặc biệt với chế độ ăn có các loại rau quả, trái cây, ngũ cốc và các loại sản phẩm từ sữa
- Không nên sử dụng thực phẩm đã bị rơi xuống đất
- Rửa các loại trái cây và rau quả thật sạch, đồ ăn như thịt… phải được nấu chín
- Tránh các loại thực phẩm có chất sorbitol, một loại chất được tìm thấy trong các thực phẩm ăn kiêng.
Xem thêm: Cách chữa viêm đại tràng mạn tính