Bệnh viêm đại tràng mạn tính là loại bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa, gây ra những tổn thương ở trong niêm mạc của đại tràng với nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của bệnh. Vậy người bệnh có biểu hiện và triệu chứng như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, mời các bạn theo dõi thông tin dưới đây.
Viêm đại tràng mạn tính là gì?
Viêm đại tràng mạn là quá trình viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở những nước đang và kém phát triển. Do mức sống thấp nên điều kiện vệ sinh không được chú trọng.
Bệnh phát triển với nhiều mức độ khác nhau. Trường hợp nhẹ thì niêm mạc kém bền vững và dễ gây hiện tượng chảy máu. Nếu nặng có thể gây ra các vết loét, xung huyết và xuất huyết thậm chí xuất hiện những ổ áp xe.
Viêm đại tràng mạn tính được chia làm 2 loại:
- Không rõ nguyên nhân: Bao gồm viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu và bệnh Crohn (thường ít gặp ở nước ta).
- Có nguyên nhân: Xuất hiện sau viêm đại tràng cấp tính do có nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, nhiễm nấm hoặc nhiễm độc và không được điều trị dứt điểm bệnh.
Xem thêm:
Biểu hiện của viêm đại tràng mạn tính
Về lâm sàng
Xuất hiện một số triệu chứng tiêu biểu như:
- Đau bụng dọc theo khung đại tràng, thường ở nửa khung đại tràng trái và 2 hố chậu, đau từng cơn và hay tái phát, có khi đau âm ỉ, giảm khi đại tiện xong
- Rối loạn đại tiện, chủ yếu là đi lỏng nhiều lần trong ngày
- Cảm giác mót rặn
- Phân không ổn định, có thể có nhày mũi hoặc máu
- Cơ thể mệt mỏi, ăn ngủ kém, hay cáu gắt, lo lắng thái quá
- Trí nhớ giảm, nặng giảm cân nhanh
Về cận lâm sàng
Người bệnh thường có những biểu hiện như sau:
- Thiếu máu nhược sắc, bạch cầu tăng, tốc độ lắng máu cao.
- Xét nghiệm phân tìm hồng cầu, tế bào mủ, tế bào biểu mô ruột, ký sinh trùng, sự thay đổi về số lượng vi khuẩn; cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh; xét nghiệm các thành phần sinh hoá trong phân.
- Nội soi đại trực tràng: thường thấy hiện tượng viêm long niêm mạc, sức bền niêm mạc kém, có thể có các vết loét trợt, ổ loét được phủ lớp nhày trắng, xuất huyết, các ổ áp xe nhỏ, hình ảnh teo đét niêm mạc, các vết sẹo xen kẽ các tổn thương đang hoạt động.
- Sinh thiết đại tràng thấy hình ảnh viêm mạn tính, các tuyến tăng sinh hoặc thưa thớt, tuỳ theo hình thái bệnh lý có thể thấy tế bào tăng tiết nhày hoặc teo đét
Dựa vào một số biểu hiện và triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến ngay trung tâm y tế để kiểm tra chuẩn đoán lại bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.
Chế độ ăn uống khi mắc viêm đại tràng mạn
Người bệnh bị viêm đại tràng mạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý để giảm thiểu các triệu chứng của bệnh đồng thời hỗ trợ điều trị hiệu quả. Dưới đây là những lưu ý trong chế độ ăn hàng ngày của người viêm đại tràng mạn:
Nên ăn các thực phẩm như gạo, khoai tây, cá nạc, sữa đậu nành, sữa không có lactose, các loại rau xanh nhiều lá như rau ngót, rau muống, rau cải…
Hạn chế trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, rượu bia, cà phê, nước ngọt…vì chúng dễ gây đầy hơi, chướng bụng…
Không nên ăn các thực phẩm có chứa nhiều lactose ví dụ như sữa, quả ngọt, mật ong, nhiều sorbitol (có trong một số bánh kẹo ngọt) vì bệnh nhân có biểu hiện kém hấp thu các loại đường này, do đó ăn vào sẽ gây chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
Chế độ ăn uống cần đủ các thành phần và chất dinh dưỡng: Chất đạm (protein): 1g/kg mỗi ngày. Năng lượng: 30-35 kcal/kg mỗi ngày tùy theo từng bệnh nhân. Chất béo: ăn hạn chế, không quá 15 g/ngày. Đủ nước, muối khoáng và các vitamin.
Các thức ăn cứng như rau sống, bắp luộc tránh dùng vì ảnh hưởng tới vết loét đại tràng. Thức ăn nên chế biến dạng hấp luộc, hạn chế các món xào rán
Nguồn: Dantri