Trong các thể lao thì lao phổi hay gặp nhất, sau đến lao hạch.
Lao ruột là một nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu do trực khuẩn lao tuy hiếm gặp (sau lao tiết niệu sinh dục, chiếm khoảng 3% trong các bệnh lao), nhưng việc chẩn đoán và điều trị hãy còn nhiều khó khăn, cho nên tỷ lệ mắc phải và các biến chứng do bệnh hãy còn khá cao, nếu không điều trị kịp thời gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tỷ lệ tử vong chiếm 11%. Bệnh nhân lao ruột gặp nhiều ở người trẻ tuổi, đang độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi từ 30 đến 55 tuổi, do vậy lao ruột có ảnh hưởng nhiều đến gia đình và xã hội.
Vi khuẩn gây bệnh ngoài trực khuẩn lao người, ngày nay người ta còn thấy các loại trực khuẩn lao bò, lao chim, và loại trực khuẩn không đặc biệu có khả năng gây bệnh ở người, nhất là đối với những người nhiễm HIV/AIDS.
Nguồn lây nhiễm trong lao ruột là do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp. qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi và các chế phẩm của sữa như kem, bơ, pho mát có trực khuẩn lao bò hoặc do bú sữa mẹ và thông thường là do thức ăn, nước uống bị ô nhiễm trực khuẩn lao. Bệnh gặp thứ phát do một ổ lao ngoài ruột đang tiến triển hoặc đã ổn định, vi khuẩn xâm nhập qua đường máu, đường mật vào đường tiêu hóa và gây bệnh. Ðáng lưu ý là hơn 60% các trường hợp lao ruột có tiền sử lao phổi đã và đang điều trị, trong đó trên 50% các trường hợp có tiền sử lao dưới một năm và bệnh vẫn có thể xảy ra ngay trong quá trình điều trị bệnh lao.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh khá âm thầm nên ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn mới bị bệnh. Biểu hiện chủ yếu là đau bụng âm ỉ kéo dài, gầy sút cân, chán ăn, có rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy đôi khi kèm táo bón và dễ nhầm với bệnh viêm đại tràng do amíp hay tạp khuẩn, kèm theo sốt về chiều, thường sốt không cao, ra mồ hôi.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng như tắc ruột, khối u giống u đại tràng, thủng ruột viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong. Lao ruột có biến chứng cần phải can thiệp phẫu thuật đến hơn 80%.
Về cơ bản, lao ruột được điều trị bằng nội khoa. Thuốc điều trị bệnh được sử dụng theo phác đồ của Tổ chức y tế thế giới năm 1998, biện pháp DOTS có kiểm soát áp dụng 4 thứ thuốc chống lao phối hợp đối với lao mới và 5 thứ thuốc phối hợp đối với lao điều trị thất bại. Ðiều trị phẫu thuật chỉ áp dụng trong trường hợp lao ruột có biến chứng.
Ðể phòng ngừa bệnh, mỗi người dân phải có ý thức trong vệ sinh ăn uống, sinh hoạt, đặc biệt là khi sử dụng sữa bò tươi, các chế phẩm của sữa bò nếu chưa qua các quy trình xử lý theo quy định. Khi có các biểu hiện bệnh, cần phải đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng, gây biến chứng nguy hiểm đối với bản thân, mặt khác gây ô nhiễm môi trường và là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng. Phát hiện và điều trị sớm sẽ làm giảm bớt tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, đóng góp tích cực cho chương trình chống lao quốc gia, để bệnh lao ở Việt Nam sẽ sớm được thanh toán.
Bs. Nguyễn Ðức Chính