Theo Bác sĩ Bùi Ánh Tuyết, Khoa nội soi thăm dò chức năng, bệnh viện K, polyp có khả năng phát triển thành ung thư với tỷ lệ tăng dần theo năm nếu không được điều trị.

30% trường hợp ung thư đại trực tràng là do polyp. Căn bệnh này gây tử vong nhiều thứ hai trong các loại ung thư (sau ung thư phổi). Kỹ thuật nội soi ống mềm cắt polyp đại trực tràng, sẽ hạn chế được nhiều tai biến phẫu thuật và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.
1. Cắt đại tràng vì phát hiện muộn
Polyp đại trực tràng là bệnh khá thường gặp, tuy nhiên, bệnh lại rất khó để có thể phát hiện được ra sớm. Đây là những khối u lồi vào trong lòng đại trực tràng, hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc đại trực tràng. Theo nghiên cứu bệnh đa polyp có tính di truyền trội và 85% bệnh nhân sẽ phát triển thành ung thư nếu không điều trị. Thậm chí, kể cả với các polyp dạng tuyến lành tính theo thời gian cũng có thể trở thành ác tính. 30% polyp lớn hơn 2cm và 1% ở các polyp nhỏ hơn 0,5cm có thể thành ung thư.
Theo các bác sĩ, việc phát hiện sớm và điều trị polyp đại trực tràng thường gặp nhiều khó khăn, bởi triệu chứng bệnh thường mờ nhạt. Tại thời điểm thăm khám, bệnh nhân hoàn toàn bình thường, có thể đi tiêu phân lỏng thất thường hoặc đau bụng không điển hình. Vì vậy, khi khối u lòi ra ngoài hậu môn hoặc khối u to gây tắc ruột thì việc chẩn đoán đã chậm.
Hiện tại, với kỹ thuật nội soi đại trực tràng sẽ giúp phát hiện sớm được bệnh. Viện K đã thực hiện phương pháp này cho gần 40 bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, polyp đại trực tràng có thể gặp ở mọi vị trí, như ở trực tràng chiếm 29%, phía đại tràng trái 42,1%, đại tràng phải 15,7%. Trong đó, polyp đại trực tràng đơn là 60,5%, có 39,5% là đa polyp, thậm chí có một số trường hợp phát hiện muộn phải cắt toàn bộ đại tràng hoặc đã điều trị ung thư đại trực tràng sau 2 năm lại có polyp ở miệng nối.
2. Kỹ thuật mới nhiều ưu điểm
Theo các bác sĩ, khi chưa có kỹ thuật nội soi đại tràng thì việc phát hiện và chẩn đoán polyp đại tràng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, số lượng bệnh nhân được chẩn đoán polyp đại tràng không nhiều, thường chỉ được phát hiện vào giai đoạn cuối của bệnh. Việc cắt bỏ polyp đại tràng khi đó khá phức tạp. Tất cả polyp ở cách mép hậu môn từ 7cm trở lên nếu muốn điều trị phải mổ qua thành bụng. Phương pháp này hiện ít được áp dụng, thay vào đó là phương pháp nội soi như: bằng cơ học, gây thiếu máu làm hoại tử khiến polyp tự rụng hoặc bằng laser. Mỗi phương pháp, bên cạnh những ưu điểm đều có những hạn chế riêng.
Với phương pháp mới, kết quả thực hiện trên 38 bệnh nhân cho thấy, 36 bệnh nhân (94,8%) không có biến chứng, không có trường hợp tai biến nặng. Bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau điều trị từ 1 – 3 ngày.
>>>Điều trị và phòng tránh polyp đại tràng
Nguồn: baodatviet