“Gần đây tôi bị đau bụng, thường đi ngoài kèm theo bụng sôi, đi khám thì bác sĩ nói bị lao ruột. Tôi phải điều trị thế nào?” (Hà Văn – Thái Nguyên)
Đáp:
Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho hay, lao ruột là một nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do trực khuẩn lao gây ra. Nguồn lây nhiễm trong lao ruột là do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi hoặc thức ăn, nước uống bị ô nhiễm trực khuẩn lao.
Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, đang độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi từ 30 đến 55 tuổi, với tỷ lệ tử vong chiếm 11%. Hơn 60% các trường hợp lao ruột có tiền sử lao phổi.
Biểu hiện là người bệnh gầy sút nhanh, xanh xao; mệt mỏi, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm; đi ngoài 2- 3 lần ngày, phân lỏng sền sệt, dùng thuốc cầm tiêu chảy không có tác dụng. Khi đau bụng thường mót đi ngoài và thường kèm theo sôi bụng.
Bệnh này phải điều trị theo phác đồ điều trị lao. Để phòng ngừa bệnh, nên có ý thức vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt.
Theo Đất Việt