Thuốc muối – tên khoa học là Natri bi carbonat – là loại thuốc chống axit và kiềm hóa. Với những người bị bệnh đường tiêu hóa, thuốc muối không có gì xa lạ. Thực chất thuốc muối có tác dụng gì, đối tượng nào không được sử dụng… là điều cần lưu tâm.
Tùy theo liều lượng uống và thời điểm dùng mà thuốc muối có tác dụng khác nhau. Cụ thể: Uống dưới 2g trước bữa ăn 1 giờ để kích thích tiết dịch vị dạ dày; Uống từ 2 – 5g sau bữa ăn để trung hòa axit dịch vị và giảm đau ở những người thừa axit dịchvị; Uống liều cao 5 – 10g để chống nhiễm axit.
Để điều trị bệnh gút, pha 4g vào 1l nước sôi để nguội uống trong ngày. Ngoài thuốc bột còn có dạng viên nén nhiều hàm lượng khác nhau. Ngày nay thường hay dùng loại phối hợp với các chất khác như nhôm hydroxit, Mg hydroxit, Mg carbonat để làm thuốc giảm axit trong dạ dày.
Thuốc muối không dùng cho những bệnh nhân viêm loét đại tràng, trực tràng, hội chứng tắc bán ruột đau bụng chưa rõ nguyên nhân; Phụ nữ có thai và đang cho con bú. Ngoài ra, bệnh nhân chức năng thận kém cũng không dùng thuốc này. Khi dùng thuốc dài ngày, phải có chỉ định của bác sĩ. Do thuốc muối tương kỵ với nhiều thuốc khác nên khi dùng phối hợp phải lưu ý, hỏi ý kiến bác sĩ.
Thuốc muối loại tốt sẽ là loại bột trắng mịn không mùi, vị mặn, dễ tan trong nước, có tác dụng trung hòa axit. Thuốc dễ hút ẩm, để lâu bị vón cứng, màu vàng dần. Với 3 loại: thuốc tiêm, thuốc viên và thuốc bột, hạn dùng khác nhau.
Thuốc tiêm và viên có hạn dùng 2 năm, trong khi thuốc bột hạn dùng chỉ là 1 năm. Thuốc muối cần được bảo quản tránh ẩm và nóng (dưới 300C) bởi ẩm và nóng sẽ biến thuốc thành chất khác (carbonat Na) uống vào bị độc.
DS Hải Dương