Khi ngộ độc thực phẩm việc làm đầu tiên của bạn là gì? Bài viết dưới đây gợi ý giúp bạn cách sơ cứu nhanh khi gặp phải trường hợp ngộ độc này. Vì đôi khi nếu bỏ qua, bệnh nhân có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Ngộ độc thực phẩm có những triệu chứng như: Đau bụng quằn quại, tiêu chảy, nôn… Điều quan trọng nhất lúc này là đưa chất độc ra ngoài cơ thể càng nhanh càng tốt, không để chất độc ngấm sâu vào trong cơ thể. Cụ thể hơn là phải gây nôn cho bệnh nhân. Gây nôn bằng cách dùng ngón tay ngoáy móc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài hoặc có thể uống một cốc nước muối loãng, sau đó dùng tay hoặc thìa đè vào cuống lưỡi để nôn ra ngoài càng nhiều càng tốt.
Người bị ngộ độc thực phẩm bị mất một lượng nước khá lớn do nôn và tiêu chảy, nên cần cung cấp dung dịch oresol, nước cháo, cam…cho người bệnh. Có thể pha nửa thìa cà phê muối, 4 thìa cà phê đường với 1 lít nước cho bệnh nhân uống. Việc làm này không những có tác dụng bù nước mà còn giúp pha loãng chất độc trong cơ thể.
Trường hợp ngộ độc nhẹ, khi gây nôn xong người bệnh cần nghỉ ngơi, đồng thời cần được bù dinh dưỡng như các loại thức ăn mềm, nhẹ, dễ tiêu, không nên ăn quá no gây quá tải vì hệ tiêu hóa cồn yếu. Suy nghĩ khi bị ngộ độc thức ăn cần nhịn ăn, truyền nước hoặc chỉ ăn cháo muối là quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Nếu cần, nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện rửa ruột sau khi gây nôn. Đối với những trường hợp bị sốt cao, bụng đau dữ dội, tiêu chảy nhiều, mất nước nặng, phân có chứa máu…cần được đưa đến cơ sở y tế ngay và được điều trị kịp thời.
Chú ý: Không nên gây nôn cho người bệnh đang hôn mê vì có thể xảy ra tình trạng sặc thức ăn vào đường hô hấp, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Nguồn: Dantri