Hỏi: Tôi năm nay 35 tuổi, sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi thường bị ợ hơi rất to, khi không ợ được thì lại nôn khan, bụng hơi trướng, thỉnh thoảng đau rát thượng vị. Tình trạng này lúc bị lúc không, nhưng nặng hơn khi ăn xong, phải ngả người ra sau mới dễ chịu. Tôi đi khám Bác Sĩ thì được thông báo là mắc chứng ăn không tiêu. Tôi cần phải làm gì bây giờ thưa Bác Sĩ. Vũ Thanh Ngọc (Hải Dương)

Trả lời :
Chào bạn Thanh Ngọc.
Ăn uống không tiêu làm giảm đi hứng thú ăn uống với người bị bệnh. Khi mắc phải chứng ăn uống khó tiêu, bệnh nhân thường thấy chướng bụng, đầy hơi, khó chịu, mau no, đặc biệt là sau khi ăn làm cho bệnh nhân có cảm giác chậm tiêu.
Có bệnh nhân bị buồn nôn hoặc nôn sau ăn, đôi khi kèm theo triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Có bệnh nhân khác lại bị ợ hơi, có cảm giác vướng nghẹn ở cổ họng. Tất cả các triệu chứng trên liên quan đến rối loạn về co bóp của dạ dày hoặc của thực quản. Ngoài ra, người bị chứng khó tiêu có thể bị đau ở vùng thượng vị. Các triệu chứng đau thượng vị và ợ nóng liên quan đến sự tăng tiết dịch vị hoặc tăng cảm giác đau của từng người.
Chứng bệnh ăn uống không tiêu chia làm 2 thể:
- Một là khó tiêu chức năng
- Khó tiêu vì có bệnh thực thể về tiêu hóa
Theo như bạn đề cập thì rất có thể trường hợp của bạn, bạn mắc chứng khó tiêu chức năng. Tuy không có nguyên nhân cụ thể, nhưng một số yếu tố sau đây làm cho triệu chứng nặng thêm: Do cách ăn uống: ăn thức ăn chua cay, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, nhiều tinh bột; Do ăn quá nhanh, nhai không kỹ, nuốt vội ; giờ giấc ăn uống không ổn định, ăn no mà nằm ngay…; Do lạm dụng một số chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá; Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori; Do căng thẳng thần kinh, bị stress; Do tác dụng phụ xảy ra trên đường tiêu hóa của một số thuốc chữa bệnh…
Vì thế, ngay lúc này, bạn cần điều chỉnh lại thói quen ăn uống hàng ngày. Để tốt cho sức khỏe thì bạn nên:
- Tránh ăn nhiều dầu mỡ, nên ăn thức ăn ít chất béo và chất xơ.
- Cần chia làm nhiều bữa nhỏ để ăn, ăn uống chất lỏng cho dễ tiêu hóa.
- Tránh ăn thức ăn cứng và số lượng nhiều.
- Duy trì thể trọng hợp lý
Những điều bạn nên tránh trong ăn uống là:
- Ăn quá no.
- Ăn trước khi ngủ
- Uống các chất kích thích như cà phê, bia, rượu, nước cam, cà chua.
- Ăn nhiều chất béo, ớt, chocolate và hạt tiêu.
- Hút thuốc lá
- Tránh bị stress quá nhiều và dai dẳng
Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn “đánh bay” chứng ăn không tiêu:
- Uống nhiều nước lọc: Không chỉ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng mà còn giúp giảm nhanh các triệu chứng có tính axit của dạ dày. Bên cạnh đó, khi uống đủ nước các chất hòa tan trong nước và đi qua đường tiêu hóa thuận lợi hơn.
- “Gừng, chanh, mật ong”: Củ gừng hoặc dầu gừng thêm phòng trong nhiều chế phẩm thực phẩm do nó có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa. Nước chanh pha với nước mật ong là một biện pháp hữu hiệu khi bạn bị khó tiêu và nóng trong ruột. Cần 2 thìa nước cốt chanh, gừng và mật ong pha vào nước ấm sau mỗi bữa ăn giúp hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả
- Lá bạc hà: Là chất dễ bay hơi chứa tinh dầu bạc hà, có ảnh hưởng trực tiếp chống co thắt cơ trơn của đường tiêu hóa, phương pháp tuyệt vời cho các triệu chứng như khó tiêu, đau bụng, ợ nóng và hội chứng ruột kích thích.
- Trái cây: Giúp tăng cường chất xơ giúp bạn khỏi chứng khó tiêu. Chất xơ giúp thực phẩm di chuyển dễ dàng qua hệ tiêu hóa và tự động kích thích quá trình tiêu hóa. Nên tăng cường các loại trái cây như đu đủ, chuối, táo, lê, nho…
- Chia nhỏ các bữa ăn: Việc ăn quá no khiến đầy bụng, khó tiêu trở nên tồi tệ hơn. Do đó, nên chia nhỏ thành các bữa trong khoảng 2 – 3 giờ để loại bỏ axit dư thừa. Lưu ý nên ăn chậm nhai kỹ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho dạ dày
- Tránh các thực phẩm có hại cho dạ dày: Như đồ chiên, thức ăn cay nóng, đồ ăn sẵn..làm tăng tính axit gây đầy hơi dẫn đến đau bụng khó tiêu
- Không lạm dụng đồ uống có ga, chất kích thích: Khi dùng đồ uống có ga, các khí có thể mắc kẹt trong bụng gây khó chịu, căng tức bụng
- Ngủ đủ giấc, không nên để cơ thể quá căng thẳng vì có thể khiến cơ thể của bạn suy nhược. Cần để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lực bằng cách ngủ ít nhất 6 -8 tiếng mỗi ngày.
Chúc bạn sớm khỏe trở lại!.