Còn gọi là ung thư trực – đại tràng nghĩa là có tổn thương ở đại tràng, trực tràng và ruột thừa. Đó là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, hay gặp nhất ở nam giới, đứng thứ 2 sau ung thư phổi và ngang hàng với ung thư gan nguyên phát.
Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 40-60, và tỉ lệ mắc bệnh ở nam nhiều hơn nữ. Ở các phát triển phương Tây, bệnh là nguyên nhân chính thứ 3 gây tử vong. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là bệnh của sự no đủ, do ăn quá nhiều thịt và chất béo. Các thống kê cho thấy tỉ lệ ung thư đại tràng ở Châu Á đang tăng nhanh cùng với sự tăng cao mức sống.
Bệnh phát sinh từ các pôlíp dạng tuyến ở đại tràng (mô phát triển từ tuyến). Những pôlíp này có hình nấm, lúc đầu lành tính nhưng một số đã phát triển thành ung thư, nếu chỉ khu trú, không xâm lấn thì thường phát hiện được bằng phương pháp soi đại tràng. Nếu xâm lấn tới thành đại tràng (di căn giai đoạn I và II) vẫn có thể chữa khỏi bằng can thiệp phẫu thuật. Khi đã di căn tới các hạch lân cận trong khu vực (giai đoạn III) thì khoảng trên 70% có thể chữa khỏi bằng can thiệp ngoại khoa và bằng thuốc. Khi ung thư đại tràng đã di căn xa (giai đoạn IV) thì thường không thể chữa khỏi, tuy có thể kéo dài đời sống bằng thuốc (hay còn gọi là hoá liệu pháp), chỉ một số ít khỏi bệnh nhờ can thiệp ngoại khoa và thuốc. Phương pháp điều trị bằng tia xạ cũng được dùng trong ung thư trực tràng.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Có 3 loại dấu hiệu và triệu chứng:
- Tại chỗ: Nếu tổn thương ung thư khu trú gần hậu môn, có thể thay đổi về đại tiện (táo hay tiêu chảy), cảm giác đại tiện không hết và phân cũng nhỏ đi về đường kính (có khi có cả 2 dấu hiệu). Phân dính máu tươi kéo dài là dấu hiệu cần quan tâm. Nếu khối u to và làm hẹp lòng đại tràng có thể gây tắc ruột, khi đó bệnh nhân bị táo bón, đau bụng, chướng bụng và nôn. Đôi khi gây thủng ruột và dẫn đến viêm phúc mạc.
- Toàn thân: Có thể bị thiếu máu thiếu sắt do chảy máu kéo dài nhưng kín đáo, không thể hiện rõ. Mỏi mệt, trống ngực, da xanh tái, sút cân, không thèm ăn. Ngoài ra, còn có thể sốt không rõ nguyên nhân, viêm tắc tĩnh mạch sâu.
- Khi đã di căn: Hay gặp nhất là di căn tới gan, gây vàng da và đau bụng. Nếu khối u làm tắc đường mật có thể vừa vàng da vừa đi ngoài phân trắng.
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư trực-đại tràng: Tuổi tác, phần lớn xảy ra ở độ tuổi 60-70. Trước 50 hiếm gặp trừ phi trong lịch sử gia đình có người đã từng bị bệnh sớm – Có pôlíp đại tràng (nếu cắt bỏ được thì giảm nguy cơ phát triển thành ung thư) – Có lịch sử bị ung thư (phụ nữ đã từng bị ung thư buồng trứng, tử cung hay vú có nguy cơ cao bị ung thư đại tràng) – Di truyền (trong lịch sử gia đình có người bị trước tuổi 50…) – Hút thuốc (người nghiện thuốc lá bị ung thư đại tràng cao hơn người không hút, cả 2 giới) – Chế độ ăn (ăn nhiều thịt có màu đỏ, ít rau quả tươi, thịt gia cầm, cá tăng nguy cơ bị bệnh) – Lối sống ít vận động – Phơi nhiễm với virus gây u sùi (HPV) – viêm đại tràng mãn tính – Nghiện rượu …
Tiên lượng của ung thư đại tràng phụ thuộc vào việc phát hiện được bệnh sớm hay muộn. Nếu phẫu thuật sớm khi bệnh chưa di căn sang cơ quan khác trong cơ thể, kết quả sẽ khả quan. Tỉ lệ sống được 5 năm sau mổ là 90% nếu ung thư còn trong lòng ruột, 50% nếu ung thư đă ăn qua thành ruột, chưa ăn vào hạch, còn 30% khi u đã ăn vào hạch và 10% nếu đã di căn vào tạng.
Làm thế nào để phát hiện bệnh sớm?
Theo khuyến cáo mới của Hội ung thư Mỹ, cả nam lẫn nữ nên đi khám bệnh tổng hợp hằng năm từ tuổi 50. Muốn phát hiện sớm ung thư, cần thử phân xem có chảy máu kín đáo không. Đây là triệu chứng sớm giúp chẩn đoán bệnh.
Nếu trong gia đình có người thân như cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng hoặc bản thân mình cũng bị ung thư vú, ung thư tử cung, nên xin được tầm soát về ung thư đại tràng. Đơn giản thì làm nội soi trực tràng, đại tràng chậu hông, khi cần mới làm nội soi cả đại tràng.
Về điều trị, phẫu thuật là phương pháp cơ bản. Trên thực tế, chưa có loại thuốc nào kể cả Tây y và Đông y được công nhận là có tác dụng với bệnh này.
BS Đào Xuân Dũng