Đi đại tiện ra máu kéo dài nhưng bệnh nhân chủ quan vì nghĩ do bệnh trĩ, đến khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân 115, bác sĩ nội soi trực tràng phát hiện một polyp đã quá lớn kích thước khoảng 20 mm đang chảy máu.
Mục lục
Ngày 16/12/2018, khoa Cấp cứu tổng hợp – Bệnh viện Nhân Dân 115 tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 55 tuổi, nhập viện với triệu chứng đi đại tiện ra máu đỏ tươi thường xuyên.
Bệnh nhân được xử trí cấp cứu ban đầu và chỉ định nội soi trực tràng cấp cứu. Kết quả cho thấy trong trực tràng có một polyp kích thước khoảng 20 mm bề mặt hơi sùi, có cuống ngắn, đang chảy máu. Các bác sĩ đã tiến hành cắt đốt polyp để cầm máu và lấy mẫu bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh.
Bệnh nhân chia sẻ: tình trạng đi cầu ra máu kéo dài đã lâu, nhưng chủ quan vì nghĩ do bệnh trĩ nên chị không đi khám sớm, tự ở nhà điều trị bằng rất nhiều cách mà vẫn không khỏi. Đến khi cấp cứu chị mới sốc vì nguyên nhân máu chảy ở sâu bên trong đại tràng, nên trước giờ những chữa trị của chị là vô nghĩa. Nhưng may là các bác sĩ đã phát hiện và xử lý kịp thời. Nếu để khối u (polyp) quá lớn, chị phải điều trị bằng phẫu thuật.
Polyp đại tràng (ruột già) là gì?
Polyp đại tràng đang chảy máu
Theo các bác sĩ, polyp có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trong đường tiêu hóa nhưng phổ biến nhất ở đại tràng. Nam giới và nữ giới đều có thể bị polyp đại tràng. Các polyp giống như một mụn thịt nhỏ phát triển từ lớp niêm mạc của ruột và nhô ra vào trong lòng ruột. Đôi khi chúng mọc trên “cuống” trông giống như cây nấm. Tuy vậy, một số khối polyp cũng có thể phẳng.
Một số có vài khối polyp nằm rải rác ở các phần khác nhau của đại tràng. Bản chất của polyp đại tràng không phải u, mà là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Bình thường quá trình tăng sinh tế bào chịu sự kiểm soát của 2 nhóm gen: nhóm gen gây ung thư và nhóm gen ức chế khối u. Đột biến ở bất kỳ gen nào trong số này đều có thể khiến cho tế bào phân chia quá mức. Ở đại tràng và trực tràng, sự tăng sinh này sẽ tạo thành những khối polyp.
Một polyp đại tràng có cuống hình quả nấm
Một người có thể bị nhiều polyp đại tràng và kích thước của chúng có khác nhau, có thể rất nhỏ bằng hạt đậu nhưng có trường hợp polyp đại tràng to hơn rất nhiều (chẳng hạn bằng quả bóng bàn). Những polyp đơn độc có thể là những khối u hoàn toàn lành tính và tồn tại trong nhiều năm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Trong trường hợp đó, bệnh nhân không hề biết mình mắc bệnh.
Tuy nhiên, vẫn có tiềm ẩn nguy cơ trở thành ung thư đại trực tràng sau này nếu nó lớn dần lên có đường kính trên 20mm, kéo dài khoảng 10 năm, nguy cơ trở thành ung thư là rất lớn (chiếm tới 50%). Một đặc điểm cần lưu ý là những polyp có chân rộng, không có cuống, càng có nhiều polyp, khả năng hóa ác tính càng cao hơn những polyp có chân nhỏ hay cuống dài.
➤ Để tìm hiểu rõ hơn địa chỉ khám bệnh đại tràng mời bạn tham khảo thêm bài viết Khám bệnh đại tràng ở viên nào?
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ (hay còn gọi là “lòi dom” theo dân gian) được tạo thành do các tĩnh mạch ở vùng hậu môn – trực tràng bị chèn ép quá mức gây dãn tạo thành các búi tĩnh mạch trĩ. Trĩ có hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại tương ứng với búi tĩnh mạch trĩ trong và búi tĩnh mạch trĩ ngoài.
Trĩ nội là khi các búi tĩnh mạch trĩ phía trong ống hậu môn phình to, được bao bọc bởi niêm mạc. Búi trĩ ban đầu nằm trong ống hậu môn, về sau phình lớn dần, mô nâng đỡ và dây chằng chùng xuống, búi trĩ sa ra bên ngoài hậu môn.
Ngược lại, nếu các búi tĩnh mạch trĩ bên ngoài ống hậu môn phình to, sẽ tạo thành bệnh trĩ ngoại, búi trĩ được hình thành bên ngoài bao xung quanh hậu môn, ngay rìa hậu môn, bọc ngoài búi trĩ ngoại là da.
➤ Để tìm hiểu các thông tin chi tiết hơn về bệnh trĩ như nguyên nhân, triệu chứng, hình ảnh, cách điều trị mới… mời bạn tham khảo bài viết Nguyên nhân, triệu chứng và cách trị bệnh trĩ
Phân biệt polyp đại tràng và bệnh trĩ
Bệnh polyp đại tràng và bệnh trĩ thường dễ bị nhầm với nhau do có dấu hiệu đi ngoài ra máu giống nhau, nhưng mỗi bệnh lý thường đi kèm với các dấu hiệu riêng. Bạn có thể phân biệt được nếu quan sát chi tiết và tỉ mỉ hơn các triệu chứng bệnh.
➤ Triệu chứng đi ngoài ra máu tươi còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như táo bón, nứt kẽ hậu môn, kiết lị, ung thư đại tràng, viêm loét đại tràng… Mời bạn tham khảo thêm bài viết Đi ngoài ra máu tươi là dấu hiệu của bệnh gì?.
1. Dấu hiệu bị polyp đại tràng
Kích thước của polyp đại tràng có thể từ bằng hạt đậu đến quả bóng bàn. Những khối u nhỏ thường không gây triệu chứng gì và chỉ được phát hiện khi thăm trực tràng. Một số dấu hiệu của bệnh là:
Một polyp đại tràng to khoảng 5cm đang chảy máu
Đi ngoài có máu: Trường hợp polyp trực tràng quá lớn, nhiều polyp hoặc có viêm loét bề mặt polyp, có thể gây đi ngoài ra máu. Có thể thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên khuôn phân hoặc thấy máu ở giấy vệ sinh khi đi ngoài hoặc có trường hợp phân lẫn nhầy với máu màu nâu, đen hoặc nhờ nhờ như máu cá (giống phân của người bị lỵ trực khuẩn).
Đặc biệt là khi phân mềm hoặc nhão nhưng có máu kèm theo – là dấu hiệu phân biệt với những bệnh khác như trĩ hoặc rách hậu môn. Hầu hết người bệnh bị chảy máu ở mức độ nhẹ và vừa, trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng xảy ra ít hơn.
Đi ngoài phân lỏng: Khi polyp nằm ở vị trí trực tràng thấp (trực tràng là một đoạn ruột thẳng dài khoảng 11 – 15cm, là đoạn cuối của đại tràng, nối giữa đại tràng và hậu môn), sát với hậu môn, nhất là khi polyp to, bị viêm có thể gây hội chứng ruột kích thích khiến bệnh nhân đi ngoài nhiều lần trong ngày, đau quặn và có cảm giác mót rặn nên dễ nhầm với bệnh kiết lỵ.
Đau bụng: Có trường hợp polyp quá lớn gây triệu chứng bán tắc ruột hoặc tắc hoàn toàn, dẫn tới tình trạng đau bụng kèm theo buồn nôn, nôn và trung tiện hoặc bí đại tiện rất dễ nhầm với tắc ruột hoặc bán tắc.
Sa ra ngoài hậu môn: Khi polyp trực tràng có cuống tương đối dài có thể bị sa ra ngoài hậu môn khi đi ngoài; nếu polyp nhỏ, ở thấp gần hậu môn có thể tự lên hoặc dùng tay đẩy lên, tuy vậy, đôi khi bị tắc nghẽn trong hậu môn.
Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không thấy triệu chứng nào kể trên nhưng vẫn có thể có polyp ở đại trực tràng. Vì vậy, cần hết sức chú ý những trường hợp bệnh nhân trước đây đã từng mắc polyp hoặc trong gia đình có người mắc polyp.
2. Dấu hiệu bị bệnh trĩ
Do bệnh thường tiến triển âm thầm, không thể hiện triệu chứng gì trong giai đoạn đầu nên người bệnh thường không biết hoặc chủ quan không đi khám. Bạn nên chú ý khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bệnh dưới đây:
Chảy máu khi đi đại tiện, đau rát ngứa hậu môn, sa búi trĩ… là những dấu hiệu của bệnh trĩ
Chảy máu khi đi đại tiện: Khi có khối phân đi ngang qua búi trĩ gây chà xát dễ khiến chảy máu. Đối với bệnh trĩ, máu chảy là máu đỏ tươi, không lẫn với phân, không có nhầy, thường xảy ra khi đại tiện xong. Người bệnh có thể phát hiện bằng cách nhìn vào giấy vệ sinh hoặc thấy máu dính vào phân.
Ngứa, đau rát hậu môn: Người bệnh có thể cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu hoặc đau rát hậu môn do nhiễm khuẩn gây viêm ở búi trĩ.
Sa búi trĩ nội: Lúc đầu búi trĩ nội chỉ thò vào lòng ống hậu môn, về sau, khi bệnh nhân rặn đại tiện, búi trĩ này có thể thò ra ngoài lỗ hậu môn và tự thụt vào sau khi đi đại tiện xong. Ở các giai đoạn nặng hơn, búi trĩ nội có thể sa hẳn ra ngoài.
Huyết khối trĩ ngoại: chảy máu thứ phát do áp lực dẫn đến hoại tử và loét tiếp phần da nằm phía trên.
Da thừa: các nếp gấp của da phát sinh từ hậu môn, là kết quả của bệnh trĩ ngoại huyết khối. Da thừa nhiều hoặc trĩ ngoại có thể gây cản trở việc vệ sinh hậu môn, dẫn đến rát hoặc ngứa quanh hậu môn.
Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân sẽ gặp phải các dấu hiệu như sau:
Ở giai đoạn nặng của bệnh trĩ, máu chảy nhỏ giọt hay thành tia, ra máu cục khi đi đại tiện
Chảy máu nặng – thiếu máu: Máu chảy nhỏ giọt hay thành tia, ra máu cục khi đi đại tiện. Thậm chí, người bệnh bị chảy máu cả khi ngồi, đi lại nhiều. Chảy máu có thể dẫn đến thiếu máu.
Sa búi trĩ mức độ nặng: Ban đầu, búi trĩ nội thi thoảng bị sa xuống khi rặn đại tiện. Khi búi trĩ to dần, búi trĩ sa thường xuyên hơn, có thể không tự co lên mà cần phải lấy tay đẩy mới được. Nặng hơn, búi trĩ có thể sa một cách thường xuyên, cả khi ngồi, hoặc sa ra ngoài ống hậu môn không thể đẩy vào được nữa. Người bệnh sẽ có cảm giác về một khối lồi ra ở hậu môn, tiết nhầy, hoặc cảm giác đại tiện không hết phân. Ngoài ra, búi trĩ sa ra ngoài dễ gây nhiễm khuẩn thậm chí là lở loét và hoại tử.
Đau: Đau dữ dội ở vùng hậu môn. Đau xuất hiện do biến chứng tắc mạch, thường gặp trong bệnh trĩ ngoại. Tắc mạch là hiện tượng xuất hiện cục máu đông trong lòng mạch khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội. Ngay sau khi lấy cục máu đông ra khỏi lòng mạch, bệnh nhân sẽ có cảm giác dễ chịu hơn.
Phương pháp chẩn đoán Polyp đại tràng và bệnh trĩ
1. Chẩn đoán polyp đại tràng
Nội soi là phương pháp tốt nhất để kiểm tra polyp đại tràng
Polyp đại tràng thường được phát hiện khi
- Kiểm tra nội soi đại tràng để tầm soát ung thư
- Xét nghiệm phân thấy có máu ẩn
- Chụp đại tràng có chuẩn bị (thụt tháo và thuốc cản quang), nhưng dễ bỏ sót những polyp nhỏ
Nội soi là phương pháp tốt nhất để kiểm tra đại tràng vì nó giúp quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và có thể sinh thiết để xác định u lành hay u ác tính. Bề mặt polyp có thể tương tự niêm mạc đại tràng bình thường hoặc có thể thay đổi về màu sắc, loét hoặc chảy máu. Nội soi đại tràng còn là phương pháp tốt nhất để theo dõi sự phát triển của các polyp.
Một số kỹ thuật mới nhiều triển vọng để tầm soát và phát hiện polyp bao gồm: xét nghiệm phân tử gen (molecular genetic tests), nội soi đại tràng ảo (virtual colonoscopy) sử dụng công nghệ MSCT hoặc MRI.
2. Chẩn đoán bệnh trĩ
Nội soi khám bệnh trĩ nội
Bác sĩ sẽ xác định xem bạn có bị trĩ hay không bằng cách quan sát bên ngoài hậu môn, hỏi về các triệu chứng bạn đã gặp, thăm khám hậu môn trực tràng và có thể soi hậu môn trực tràng.
Bạn cần chuẩn bị các thông tin sau để cung cấp cho bác sĩ như: số lượng, số lần, và thời gian chảy máu và khối sa, về chế độ ăn uống và dùng thuốc, vì một số thuốc và chế độ ăn uống có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm táo bón hoặc tiêu chảy.
Quan sát giúp phát hiện trĩ ngoại, nứt hậu môn, trĩ nội, sa, huyết khối trĩ ngoại, ung thư hậu môn.
Thăm khám bằng ngón tay để cảm nhận có khối u, khối thịt hay có máu chảy ra nào không. Đây là động tác quan trọng nhất để loại trừ ung thư hậu môn trực tràng và phát hiện dấu hiệu đau do trĩ thuyên tắc.
Nếu nghi ngờ bạn bị trĩ nội, bác sĩ có thể đưa ống nội soi qua hậu môn của bạn vào trực tràng. Điều này cho phép bác sĩ nhìn rõ hơn bằng ánh sáng và tìm kiếm các tĩnh mạch bị sưng, căng hoặc đang chảy máu.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm phân. Phương pháp này giúp phát hiện các tế bào máu siêu nhỏ có trong phân, có thể phát hiện ra các bệnh như bệnh trĩ, ung thư ruột kết và polyp.
Tóm lại, khi có dấu hiệu đi cầu ra máu, bạn nên đi khám và nội soi để xác định nguyên nhân xuất huyết là do polyp đại tràng, bệnh trĩ, ung thư hoặc do nguyên nhân khác, tránh trường hợp chủ quan để bệnh tiến triển nặng mới đi khám thì đã quá trễ.