Hỏi:
Chào bác sỹ. Tôi là Bùi Văn Dũng, năm nay 56 tuổi, quê ở Nam Định. Thời gian gần đây, tôi thường xuyên bị đau bụng, sờ ở bụng có một khối u phía hạ sườn phải. Ngoài ra, tôi còn bị chảy máu ở trực tràng nên rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Liệu tôi có bị ung thư đại tràng không bác sỹ? Bác sỹ có thể cung cấp cho tôi biết những thông tin về căn bệnh này không ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Bạn Dũng thân mến!
Thực tế, ung thư đại tràng là bệnh rất nguy hiểm, đó là loại ung thư ác tính có tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nước phát triển. Bệnh cần được phát hiện sớm và có phương pháp chữa trị kịp thời thì mới có nhiều hi vọng chữa khỏi bệnh.
Ung thư đại tràng gây ra những triệu chứng
- Trực tràng chảy máu mà không rõ nguyên nhân. Các triệu chứng khác như căng tức, đau nhức, ngứa xung quanh hậu môn.
- Thay đổi thói quen đại tiện: sự thay đổi bất ngờ về thói quen đại tiện bình thường, cảm giác đi đại tiện không thoải mái, tăng số lần đi vệ sinh, phân lỏng có kèm theo chất nhầy như nhầy mũi
- Thường xuyên bị đau bụng mà không rõ được nguyên nhân.
- Xuất hiện một khối u ở bụng, đặc biệt là ở phía bên đại tràng phải hay hạ sườn phải.
- Cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, khó thở do việc mất máu để nuôi dưỡng khối u.
- Giảm cân nhanh chóng mà không giải thích được
Theo những biểu hiện mà bạn đã nêu trên, bạn đã có những triệu chứng của ung thư đại tràng. Nhưng để xác định bệnh chính xác nhất, bạn nên đến trung tâm y tế có uy tín để được thăm khám và xác định bệnh. Để chẩn đoán bệnh, bác sỹ sẽ thực hiện các xét nghiệm khác nhau.
Chẩn đoán ung thư đại tràng
- Chụp X quang đại tràng: ví dụ như phương pháp cản quang kép, có thể phát hiện ra pôlyp và các thay đổi khác.
- Soi đại tràng sigma: để quan sát bên trong trực tràng và phần dưới đại tràng, có thể cắt pôlyp hoặc mô bất thường để quan sát dưới kính hiển vi.
- Soi đại tràng: giúp bác sĩ quan sát bên trong trực tràng và toàn bộ đại tràng, cắt pôlyp hoặc mô bất thường để quan sát dưới kính hiển vi.
- Cắt pôlyp: là phương pháp cắt bỏ pôlyp trong khi soi đại tràng sigma hoặc soi đại tràng.
- Sinh thiết: là thủ thuật lấy mẫu mô để bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát dưới kính hiển vi và đưa ra chẩn đoán.
Các giai đoạn phát triển của bệnh
- Giai đoạn 0 : Ung thư ở giai đoạn rất sớm, chỉ mới xuất hiện ở lớp niêm mạc trên cùng của đại tràng hoặc trực tràng.
- Giai đoạn I : Ung thư lan rộng ra thành trong của đại tràng hoặc trực tràng.
- Giai đoạn II: Ung thư đã lan ra bên ngoài đại tràng hoặc trực tràng tới các mô lân cận, nhưng chưa tới hạch.
- Giai đoạn III: Ung thư đã lan sang các hạch lân cận, nhưng chưa tới các bộ phận khác của cơ thể.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư đại-trực tràng có xu hướng lan tới gan hoặc phổi.
- Tái phát: Ung thư tái phát có nghĩa là ung thư xuất hiện trở lại sau khi điều trị. Bệnh có thể xuất hiện trở lại ở đại tràng hoặc trực tràng hoặc ở một bộ phận khác trong cơ thể.
Điều trị ung thư đại tràng
- Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, vị trí và phạm vi của khối u và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các biện pháp điều trị được sử dụng hiện nay bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Đây là phương pháp phổ biến nhất để điều trị bệnh. Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u cùng với một phần đại tràng hoặc trực tràng và các hạch lân cận.
- Hóa trị liệu: là sử dụng thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Tia xạ trị liệu: còn được gọi là phương pháp phóng xạ, sử dụng tia X có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Liệu pháp sinh học (liệu pháp miễn dịch): sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tìm kiếm tế bào ung thư trong cơ thể và tiêu diệt chúng.
Trên là một số kiến thức về ung thư đại tràng, mong rằng nó có thể giúp ích nhiều cho bạn. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Xem thêm >> Điều trị ung thư đại tràng
BS. Nguyễn Sỹ Nam