Chứng tiêu chảy gặp khá phổ biến ở nhiều người, có người bị 2 -3 ngày hoặc 2 -3 tuần, nếu kéo dài hơn gọi là tiêu chảy mạn tính. Cùng tìm hiểu nguyên nhân tại sao bị tiêu chảy kéo dài để có biện pháp xử trí kịp thời.
Nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài
Hiện tượng tiêu chảy kéo dài hay còn gọi là tiêu chảy mạn tính có nhiều nguyên nhân gây nên, có thể tóm thành hai nhóm như sau:
- Nhóm 1: không có tổn thương tại ruột hay gặp là hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS).
- Nhóm 2: do thương tổn thực sự như viêm đại tràng do amip và ký sinh trùng, viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Crohn…
Tiêu chảy do hội chứng ruột kích thích
Người bệnh thường có các biểu hiện như phân lỏng, không có máu, có thể có nhày, đau bụng, cảm giác đi đại tiện chưa hết phân. Song cân nặng của người bệnh ít bị ảnh hưởng. Khi xét nghiệm phân cũng như nội soi đại tràng thấy hoàn toàn bình thường.
Khi mắc hội chứng ruột kích thích dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, thậm chí việc chuẩn đoán khó hơn vì nội soi đại tràng cũng như xét nghiệm phân cũng bình thường không thấy có dấu hiệu lạ. Vì vậy, người bệnh nên lưu ý kiểm tra nhiều lần và không nên dùng loại thuốc về tiêu hóa nào trước khi xét nghiệm sẽ dễ dấn đến sai kết quả.
Tiêu chảy do viêm đại tràng mạn
Viêm đại tràng mạn là chứng bệnh gặp khá nhiều ở nước ta, bệnh thường xuất hiện sau nhiễm khuẩn, nhiễm kí sinh trùng ở ruột. Bệnh này thường diễn biến mạn tính và có từng đợt tiến triển. Nguyên nhân gây bệnh thường do:
- Nhiễm khuẩn: các loại vi khuẩn gây hội chứng lỵ như shigella, samonella…
- Nhiễm nguyên sinh động vật: amip, lamblia.
- Nhiễm ký sinh trùng: các loại giun sống ký sinh ở đại tràng như giun đũa, giun kim, giun tóc và các loại sán ruột.
- Do chế độ ăn uống không điều độ kéo dài hoặc các thức ăn gây kích thích, tổn thương niêm mạc ruột.
- Hiện tượng táo bón kéo dài
- Bệnh viêm đại tràng thứ phát sau các bệnh khác của hệ tiêu hóa.
Các triệu chứng thường gặp khá đa dạng:
- Hiện tượng rối loạn tiêu hóa kéo dài: Đi ngoài phân lúc táo lúc lỏng, phân nát không thành khuôn, đi ngoài nhiều hơn bình thường từ 2 – 6 lần. Người bệnh thường không thoải mái sau khi đi đại tiện và có cảm giác mót rặn muốn đi nữa.
- Đầy hơi trướng bụng: Khu trú dọc khung đại tràng, người bệnh luôn cảm thấy bụng căng tức
- Hiện tượng đau bụng: Đau âm ỉ ở vùng bụng dưới hoặc dọc khung đại tràng. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện. Đau giảm hơn sau khi đi trung tiện hoặc đại tiện.
- Toàn thân ít thay đổi. Nếu có thay đổi chỉ gặp ở người luôn lo lắng về trình trạng bệnh tật của mình hoặc ăn uống quá kiêng khem.
Để điều trị bệnh người bệnh cần khám chuẩn đoán và tìm ra nguyên nhân sau đó sẽ có biện pháp điều trị cụ thể. Ngoài ra, để phòng bệnh cần có một chế độ ăn uống hợp lý, thực hiện ăn chín uống sôi, không nên ăn các thức ăn bị ôi thiu, không ăn các thức ăn chế biến từ thực phẩm bị nhiễm bệnh, không nên ăn các thức ăn đã lên men… Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Tiêu chảy lâu ngày có nguy hiểm?
Tiêu chảy là bệnh khá nguy hiểm và gây tử vong cao cho trẻ em. Không những vậy còn có sức lây truyền khá nhanh. Nếu tiêu chảy kéo dài mà không khỏi cần nhập viện để điều trị.
Nếu bệnh xuất hiện sau 24 -48h khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước dẫn đến rối loạn nước và điện giải. Cần xét nghiệm phân để phát hiện virus hoặc phát hiện kháng thể kháng virus.
Nếu người bệnh bị đi ngoài hoặc nôn liên tục, nhanh chóng mất nước dẫn đến trụy tim mạch, suy kiệt dẫn tới tử vong nếu không kịp điều trị.
Xem thêm: Cách chữa hội chứng ruột kích thích