Ung thư đại trực tràng là căn bệnh phổ biến đươc xếp thứ tư trong các bệnh ung thư gây bệnh ở nước ta. Bệnh xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhiều nhất trên 50 tuổi. Vậy đối tượng nào có nguy cơ cao mắc căn bệnh này? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng thoạt đầu chỉ là những pô lýp có hình nấm, lành tính. Sau đó một số pô lýp phát triển thành ung thư. Quá trình này phát triển nhiều năm, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.
- Giai đoạn I: Ung thư “ăn” tới lớp cơ. Việc điều trị thường là cắt đại tràng, trực tràng.
- Giai đoạn II: Ung thư “ăn” bên trong thành ruột và có thể đến lớp ngoài, nhưng chưa di căn; điều trị bằng phẫu thuật cắt đại, trực tràng.
- Giai đoạn III: Ung thư di căn tới các hạch, nhưng chưa đến các cơ quan khác trong cơ thể, phẫu thuật kết hợp với hóa trị, có thể kèm xạ trị.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã di căn xa; điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, có thể kèm xạ trị.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao
Người có pô lýp đại trực tràng: Có thể là một hay nhiều pô lýp, nên cắt bỏ pô lýp đại trực tràng lành tính giúp phòng ngừa ung thư.
Tiểu sử gia đình: Trong gia đình có người thân như cha mẹ hay anh chị em ruột, con… bị ung thư đại trực tràng, thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người bình thường.
Người bị viêm loét đại trực tràng và bệnh Crohn. Đây là những bệnh gây viêm mạn tính lớp niêm mạc của đại trực tràng, lâu ngày có thể hóa ung thư.
Người có chế độ ăn nhiều thịt mỡ: Trong quá trình tiêu hóa những thức ăn này có thể tạo ra những chất gây ung thư.
Người hút thuốc lá: có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.
Phát hiện và phòng ngừa
Khi được chẩn đoán và điều trị sớm thì 90% là khỏi bệnh. Nhưng đa số các trường hợp bệnh được phát hiện khi ở giai đoạn trễ nên rất khó khăn trong việc điều trị. Vì vậy, khi có những triệu chứng về tiêu hóa như: tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón cảm giác đi tiêu không hết phân hoặc không nhịn tiêu được, phân lẫn nhầy máu, buồn nôn, nôn, sụt cân, mệt mỏi, tắc ruột, đau bụng nhưng không đi tiêu được, bụng trướng, đau vùng hậu môn, quanh hậu môn. Hoặc thấy tiểu đau, tiểu buốt, bí tiểu…thì nên đến bác sỹ để được kiểm tra.
Để phòng bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống. Hạn chế ăn thịt động vật, chất béo nguồn gốc động vật, tăng cường ăn đạm thực vật, trái cây và rau xanh có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng (Theo Tổ chức Y tế Thế giới).
Xem thêm >> Bệnh ung thư đại tràng – trực tràng
BS. Nguyễn Bạch Đằng