Viêm đại tràng mạn tính có phải là bệnh lỵ amip hay không? Cách chữa trị ra sao? (Nguyễn Xuân Quảng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú)
Lỵ amíp là gì?
Lỵ amíp là một bệnh do ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây nên, bệnh gây ra những đợt tiêu chảy nhẹ hoặc trầm trọng hoặc những bệnh lý nguy hiểm khác như ổ mủ trong gan.
Amíp là tên gọi chung của nhóm ký sinh trùng gây bệnh này, qua phân lập thường thấy ngoài ký sinh trùng này còn có một số vi khuẩn đường ruột khác. Lỵ amíp có thể xảy ra khắp nơi trên thế giới với tỷ lệ khoảng 10%. Tuy nhiên có những vùng tỷ lệ này lên đến 50-60% do điều kiện vệ sinh kém & chế độ dinh dưỡng thiếu đạm. Người lành mang mầm bệnh thải ra ngoài rất nhiều ký sinh trùng dưới dạng kén và lây nhiễm cho người khác qua đường tiêu hóa. Kén amíp sống rất lâu trong môi trường tự nhiên.
Mối nguy hiểm
Để diệt kén amíp, người ta phải đun sôi quần áo nhiễm bệnh phẩm trước khi giặt giũ. Amíp có đặc tính tạo hốc bên trong mô cơ thể. Ở ruột già, chúng xâm nhập vào thành ruột bằng cách xuyên quan niêm mạc ruột với tổn thương chỉ là những vết lở loét nhỏ nhưng chúng khoét to thành những ổ lớn bên trong thành ruột.
Các ổ này có thể tách hẳn nhau, nhưng chúng có thể phát triển lớn và sát nhập với nhau thành một ổ lớn hơn. Các ổ loét này có thể ăn phải các thành mạch làm chảy máu nghiêm trọng, thủng ruột hoặc tạo thành ổ mủ tại chỗ.
Tệ hại hơn nữa, amíp có thể đi vào hệ thống tĩnh mạch rồi đến gan tạo ra các ổ mủ (áp-xe) trong đó. Nếu không được điều trị kịp thời, áp-xe gan có thể vỡ ra ảnh hưởng đến tim, phổi & nguy cơ tử vong cao.
Ngoài áp-xe gan, amíp còn có thể gây ra áp-xe phổi, áp-xe lách, áp-xe não nhưng rất hiếm gặp. Bệnh khởi phát âm thầm hoặc nhẹ làm cho bệnh nhân không để ý đến dễ lầm lẫn với những rối loạn tiêu hóa thông thường với tiêu chảy hoặc táo bón.
Nặng hơn là những biểu hiện tiêu chảy trầm trọng (kèm theo mót rặn) làm cơ thể bị mất nước.Lỵ amíp là một bệnh lý nguy hiểm, nguy hiểm thấy ngay trong cơn lỵ cấp là tình trạng sốc do mất nước qua tiêu chảy quá nhiều. Biến chứng của lỵ amíp có thể gây thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, lồng ruột, áp-xe gan và ổ mủ ở các cơ quan khác.
Dấu hiệu nhận biết lỵ amíp: Đau bụng âm ỉ, kéo dài; người lừ đừ, sốt nhẹ do bị mất nước khi tiêu chảy và phản ứng với nhiễm trùng của cơ thể; tiêu phân đàm máu, có thể từ 5-10 lần trong ngày, kèm theo mót rặn.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng mạn tính
Theo BSTS. Đỗ Trọng Hải thì lỵ amíp là một trong các nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràngmạn tính (không phải mãn tính), nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Viêm đại tràng mạn tính còn có thể do các nguyên nhân khác như:
- Viêm đại tràng do lao (lao ruột): Thường thứ phát sau lao phổi (50% bệnh nhân lao ruột có hình ảnh lao khi chụp X.quang phổi).
- Viêm đại tràng màng giả: Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn Clostridium difficile, là loại vi khuẩn thường trú ở ruột bình thường không gây bệnh nhưng do sử dụng kháng sinh dài ngày gây loạn khuẩn ruột.
- Viêm loét đại tràng vô căn: Bệnh không tìm thấy nguyên nhân như vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm hay virus ở đại tràng. Nguyên nhân có thể liên quan đến những rối loạn miễn dịch và xảy ra trên những bệnh nhân bị stress nặng. Triệu chứng bao gồm đau quặn bụng từng cơn, cảm giác mắc cầu cấp thiết, phân nhầy máu kèm sốt, sụt cân.
- Viêm đại tràng còn có thể do các nguyên nhân khác như bệnh Crohn, do AIDS, do vi khuẩn lậu, do virut Herpes simplex, do hậu quả xạ trị vùng bụng, vùng chậu…
Tóm lại: Viêm đại tràng mãn là một bệnh thường gặp, chẩn đoán nguyên nhân thường khó, điều trị kéo dài vì bệnh hay tái phát.
Để phòng bệnh cần chú ý vệ sinh thực phẩm, ăn uống, không uống sữa bò tươi chưa tiệt trùng, tránh dùng kháng sinh kéo dài, điều trị tích cực khi bị lao phổi. Khi có rối loạn đi cầu, phân đàm máu cần khám chuyên khoa tiêu hóa để xác định chẩn đoán, cần loại trừ bệnh ung thư đại tràng.
(Theo Nongnghiep.vn)