Viêm đại tràng mạn tính là bệnh rất dễ bị mắc phải do tập quán ăn uống còn chưa được vệ sinh của người Việt Nam. Bệnh viêm đại tràng mãn tính làm cho người bệnh chán ăn, mệt mỏi, cơ thể suy nhược dẫn đến việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

1. Chức năng của đại tràng
Đại tràng hay còn được gọi là ruột già là bộ phận trong cơ thể có nhiệm vụ tiếp nhận cặn bã của quá trình tiêu hóa thức ăn từ ruột non rồi tống chúng ra ngoài. Trước khi tống ra ngoài đại tràng hấp thụ một phần nước từ các chất cặn bã đó.
Một khi chức năng hấp thụ phần nước này kém (do đại tràng hư hàn, tăng co bóp) sẽ xuất hiện sôi bụng, đau bụng, phân nát, lỏng, tiêu chảy. Nếu hấp thụ nước nhiều (do thực nhiệt, nhu động kém) sẽ dẫn đến phân cứng, táo bón.
2. Bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng là bệnh viêm lớp niêm mạc trong cùng của đại tràng. Bệnh viêm đại tràng được chia làm 2 thể cơ bản là viêm đại tràng cấp tính và mạn tính.
Viêm đại tràng cấp tính: là bệnh có triệu chứng đau là chủ yếu của hội chứng ruột kích thích, đau có khi khiến mất ngủ, đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn hoặc đau theo khung đại tràng , co thắt đại tràng , cứng bụng.
Nguyên nhân của bệnh thường được xác định là do thức ăn khó tiêu, ăn uống mất vệ sinh, do kiết lỵ, giun sán, do điều trị bằng kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa, dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Bệnh thường nhẹ, chỉ cần ngưng các tác nhân gây bệnh, điều trị đúng hướng vài ngày là khỏi.
Viêm đại tràng mạn tính: là bệnh suốt đời, khi thì bùng phát, khi thì thuyên giảm. Các triệu chứng của bệnh thường là miệng đắng, kém ăn, đầy hơi, đau bụng, đau từng vùng, đau toàn bộ đại tràng , đại tràng co thắt, đau quặn từng cơn, phân táo, lỏng xen kẽ, muốn đi ngoài nhưng mót, rặn mà không đi được, chướng bụng, nặng bụng khó chịu rất thường gặp, lúc ngủ không bị, khi dậy chướng bụng dần lên.
Nguyên nhân của viêm đại tràng cấp điều trị không triệt để chuyển thành mạn tính, do những vi khuẩn lỵ trực khuẩn, lỵ amip để lại tổn thương ở ruột, do nhiễm trùng, ký sinh trùng, nhiễm độc, lao ruột, táo bón lâu ngày, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Một khi mắc bệnh viêm đại tràng bệnh nhân phải ăn uống kiêng khem rất khổ sở, chỉ thoải mái ăn uống một chút là có vấn đề đau bụng, đại tiện ngay. Cần phân biệt với viêm đại tràng chức năng: Chỉ là bệnh rối loạn chức năng đại tràng (hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng co thắt…), nhưng không có tổn thương thực thể ở đại tràng .
3. Chẩn đoán, xét nghiệm

Trước khi đưa ra kết luận chính xác cho bệnh, các Bác Sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm phân để phát hiện độc tố, xét nghiệm máu để phát hiện thiếu máu, nhiễm trùng, kháng thể, soi đại tràng, soi đại tràng sigma bằng ống mềm, chụp X quang cản quang đại tràng , ruột non. Chẩn đoán phân biệt viêm loét đại tràng với viêm đại tràng do nhiễm khuẩn, do lỵ amip, do virut, do thiếu máu đến đại tràng , bệnh Crohn để biết chính xác và có hướng diều trị đúng.
4. Điều trị viêm đại tràng mạn
Tuy là một bệnh khó chữa trị một cách dứt điểm nhưng để hạn chế phần nào những mệt mỏi, chán nản do bệnh gây ra và đặt ra những hy vọng mới thì bạn có thể áp dụng những cách sau đây.
Trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày bạn nên hạn chế ăn những thức ăn có thể gây khó tiêu, tiêu chảy, các chất kích thích như: dầu mỡ, rau sống, sữa tươi, rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước ngọt có ga, đồ ngọt, thực phẩm có nhiều đường lactose, hạn chế sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, tăng cường thực phẩm nhiều đạm như thịt nạc, cá nạc, sữa đậu nành, uống đủ nước, ăn rau xanh có nhiều lá (rau ngót, rau muống, rau cải…). Thêm nữa, bạn nên có kế hoạch để làm việc, nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục, dưỡng sinh giữ tinh thần thoải mái…
Với bệnh cấp tính : Bệnh nhân nên ngưng tác nhân gây bệnh (ăn uống mất vệ sinh, thức ăn gây dị ứng, kháng sinh), dùng metromedazol, vancomycin, nếu tiêu chảy dai dẳng hoặc triệu chứng nặng.
Với bệnh mãn tính : Bác sĩ thường chia ra các thể bệnh để theo dõi và điều trị được tốt hơn. Các thể bệnh bao gồm như:
- Bệnh nhẹ dùng sulfasalazin, melasamin, olsalazin, có nhiều tác dụng chống viêm. Các thuốc này có nhiều tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, ít tinh trùng.
- Bệnh trung bình dùng hydrocortisone, methylprednisolon, nhưng có rất nhiều tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài.
- Bệnh nặng : phải nhập viện đề phòng nguy cơ thủng đại tràng , ngưng nuôi dưỡng đường miệng, nuôi bằng truyền dịch. Nếu liệu pháp corticorsteroid và cyclosporine không thành công thì phải phẫu thuật.
Sử dụng phương pháp phẫu thuật: Với những bệnh nhân bệnh nặng, điều trị nội khoa không tác dụng, đại tràng bị phình giãn do nhiễm độc nặng, xuất huyết nặng, nguy cơ thủng thì giải pháp sẽ là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đại tràng chữa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng làm ảnh hưởng đến chức năng ruột, bài tiết và tâm lý người bệnh. Khoảng 25-40% bệnh nhân viêm loét đại tràng mãn nếu không được điều trị tốt cuối cùng vẫn sẽ phải phẫu thuật.
Hiện nay, nền y học hiện đại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm loét đại tràng mãn tính, điều trị hiện nay chỉ hướng vào làm giảm các triệu chứng (tiêu chảy, táo bón, đau, co thắt…) và kiểm soát viêm với mục đích chấm dứt cơn kịch phát và hạn chế tái phát, chấp nhận sống chung với bệnh.
Nguồn: SKDS
Bình luận Bài viết